Lâu nay, chúng ta nói về kinh tế số như thể đó là một thực thể riêng biệt, hay là một phân ngành của nền kinh tế nói chung. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, kinh tế số là một giai đoạn phát triển tự nhiên, đi cùng với tiến bộ công nghệ.
Cách đây hơn 10 năm, cảnh tượng dễ thấy trước các máy ATM cuối tháng là hàng dài người xếp hàng chờ rút tiền. Thời đó, việc trả lương qua tài khoản ngân hàng mới được phổ cập. Phần lớn người lao động thấy phiền toái khi nhận lương qua thẻ, vì phải mất thêm công đoạn trước khi tiền về ví. Ngày nay, các nhân viên văn phòng sẽ chuyển một phần tiền đó vào ví điện tử, hoặc trực tiếp dùng dịch vụ ngân hàng Internet để tiện mua sắm. Hóa đơn điện, nước, thẻ cào điện thoại, hay trả nợ… đều có thể thực hiện chỉ bằng một cú nhấp tay. Đó chỉ là một mảng nhỏ trong hệ sinh thái mới được tạo ra bởi công nghệ số.
Lâu nay, chúng ta nói về kinh tế số như thể đó là một thực thể riêng biệt, hay là một phân ngành của nền kinh tế nói chung. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, kinh tế số là một giai đoạn phát triển tự nhiên, đi cùng với tiến bộ công nghệ. Sự ra đời của động cơ hơi nước, và sau đó là động cơ diesel đã chuyển đổi hoàn toàn mô hình sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp thành nền kinh tế hàng hóa trên quy mô lớn. Cả thế giới đồng thời trở thành thị trường và công xưởng khổng lồ. Khi điện được phát minh ở Mỹ, đời sống kinh tế – xã hội của loài người biến chuyển nhanh chóng: các bạn hãy thử tưởng tượng cuộc sống ở Hà Nội hay TPHCM sẽ ra sao nếu bị cúp điện trong ba ngày.
Cuộc “Cách mạng Số” – hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi phương thức xây dựng, lưu trữ, xử lý, và lưu chuyển dữ liệu dựa trên nền tảng số nhị phân (0 và 1) – cũng đem lại những tác động tương tự. Kết tinh thành công nhất của cuộc cách mạng này – Internet – làm xóa nhòa không gian thực và không gian ảo, không chỉ trong đời sống cá nhân mà còn cả trong nền kinh tế.
Điều thú vị của hệ sinh thái Internet là luôn có chỗ cho người mới nhờ sự tiện lợi, chi phí đầu vào thấp. Ảnh: Thành Hoa.
Tính theo giá trị vốn hóa thị trường, 7/10 công ty lớn nhất thế giới (có vốn hóa trên 300 tỉ đô la Mỹ) thuộc về các doanh nghiệp Internet, nổi bật là các công ty thương mại điện tử (Amazon, Tencent, Alibaba), tập đoàn công nghệ (Microsoft, Alphabet), điện thoại thông minh (Apple), hay mạng xã hội (Facebook). Trong đó, Amazon và Apple đã có lúc vượt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỉ đô la Mỹ. So sánh đơn giản thì giá trị của Amazon gấp bốn lần tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong một năm.
Những con số lớn lao trên có thể không mấy có giá trị, ý nghĩa với nhiều người. Ai cũng có xu hướng thổi phồng số liệu để chứng tỏ thứ mình cho là quan trọng. Nhưng với nhân viên văn phòng, cư dân thành phố, những thiếu niên thế hệ cuối 9X hay đầu 2000, sức thu hút của công nghệ số không nằm ở con số, mà là cách chúng thay đổi họ một cách tự nhiên.
Nó đến tự nhiên tới mức người ta không còn để ý mức độ phụ thuộc của mình vào chúng. Một nhân viên cổ cồn trắng đặt cơm qua ứng dụng, nhận hàng bằng Grab Food hay Go Food, thanh toán qua ví điện tử, và viết review trên trang Facebook cá nhân để nhận mã giảm giá. Người này sẽ sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ để về nhà, học cách nấu ăn qua YouTube, tranh thủ bán hàng trực tuyến qua Shopee, xem phim trên Netflix, tán gẫu với bạn qua các ứng dụng nhắn tin, rồi nghe nhạc trên Spotify trước khi đi ngủ.
Hiện tại, hơn một nửa dân số nước ta có tiếp cận với Internet, và 84% có điện thoại thông minh. Hàng tuần, thời gian lên mạng của người Việt là 24,7 giờ, chỉ đứng sau Singapore ở khu vực Đông Nam Á, theo hãng khảo sát thị trường Nielsen.
Hàng tuần, thời gian lên mạng của người Việt là 24,7 giờ, chỉ đứng sau Singapore ở khu vực Đông Nam Á, theo hãng khảo sát thị trường Nielsen.
Có lẽ không có bằng chứng nào cụ thể hơn cho sự trỗi dậy của kinh tế số bằng việc xem xét cách chúng ta mở hầu bao: theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong năm 2017, số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016, với giá trị giao dịch tăng tới 75%. Chỉ trong vòng hai năm, từ 2016-2018, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng gấp đôi, đạt 8 tỉ đô la Mỹ năm 2018, theo báo cáo mới nhất của Google và Temasek về nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch trực tuyến (GMV) ở Việt Nam đạt mức 4% GDP, cao nhất ở Đông Nam Á, được thúc đẩy bởi thương mại điện tử, đạt 3 tỉ đô la Mỹ về GMV trong năm 2018.
Nhưng cũng giống như làn sóng tăng trưởng công nghiệp dựa vào FDI, thương mại điện tử tiếp tục là sân chơi không dành cho doanh nghiệp Việt. Ba “ông lớn” là Lazada, Tiki và Shopee lần lượt thuộc sở hữu hoặc chiếm phần lớn vốn bởi các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc là Alibaba, JD.com và Tencent. Những sản phẩm “thuần Việt” hơn như Adayroi.com hay Sendo chật vật trong việc giành miếng bánh béo bở của thị trường.
Tuy nhiên, điều thú vị của hệ sinh thái Internet là luôn có chỗ cho người mới. Sự tiện lợi, chi phí đầu vào thấp, khả năng học hỏi nhanh, cùng với những tưởng thưởng xứng đáng cho sáng tạo, không gian mạng dần trở thành vườn ươm cho những đầu óc Việt tài năng nhất. Nguyễn Hà Đông có lẽ là cái tên đầu tiên đại diện cho thế hệ đó, với trò chơi Flappy Bird làm mưa làm gió vào năm 2013. Về sau, sáng tạo không chỉ gói gọn trong các trò chơi điện tử, mà mở rộng ra mọi ngóc ngách của nền kinh tế số.
Những tác động về mặt kinh tế tất yếu sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác.
Xu hướng dịch chuyển sang khu vực kinh tế tự do (gig economy) đang hiện rõ, khi Internet tạo ra nhiều ngành kinh doanh mới. Điều này không chỉ thể hiện ở số tài xế Grab hay Go Viet, mà còn đến từ những kỹ sư lập trình tạo lập ứng dụng và bán lên các “kho hàng” của các hệ điều hành, hay nhân viên văn phòng lập các trang bán hàng trực tuyến trên Facebook và Instagram. Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng về mặt quan sát, có thể thấy chúng ta đang tiến đến một thị trường lao động năng động, nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ bấp bênh và rủi ro hơn.
Chỉ trong vòng hai năm, từ 2016-2018, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng gấp đôi, đạt 8 tỉ đô la Mỹ năm 2018.
Các cộng đồng xã hội cũng có những đặc tính khác biệt so với trước. Người đọc dễ tin tưởng vào các KOLs (key opinion leader – người dẫn dắt dư luận) trên mạng trong bối cảnh báo chí đang đối diện với nhiều vấn đề khi tự thích nghi với môi trường mới. Cư dân đô thị gắn kết với nhau qua mạng xã hội để thảo luận và chia sẻ thông tin với nhau, vai trò của loa phường lùi dần.
Đi kèm với những nét tích cực, không gian số cũng mang đến các nguy cơ mới cần được điều chỉnh. Ngoài những vấn đề chính trị – xã hội như nạn tin giả, có thể thấy hệ thống pháp luật hiện hành không bắt kịp với thay đổi trong những mối quan hệ kinh tế mới.
Câu chuyện kiện tụng kéo dài giữa Vinasun và Grab, rồi vấn đề “thí điểm” dịch vụ gọi xe công nghệ là một ví dụ điển hình. Đây đương nhiên là khó khăn chung của tất cả các quốc gia, nhưng sự thận trọng quá mức cùng với cách tiếp cận bảo thủ sẽ có tác động tiêu cực đến tiềm năng phát triển của nền kinh tế số. Đầu năm 2019 này, Luật An ninh mạng có hiệu lực là một trong những cố gắng nhằm kiểm soát tốt hơn không gian Internet. Tuy thế, các quy định của luật và văn bản hướng dẫn bị nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho là sẽ làm hạn chế môi trường kinh doanh trên mạng.
Năm 2019, bởi vậy, sẽ là thời điểm rất quan trọng cho nền kinh tế số ở Việt Nam, khi sự bùng nổ của công nghệ mới đối diện với chiếc vòng kim cô siết chặt từ quản lý nhà nước.
Nguyễn Khắc Giang