SpaceX – Công ty chuyên sản xuất và phóng các tên lửa, tàu không gian. Kể từ khi thành lập vào 2002, SpaceX đã cải cách ngành công nghệ không gian thế giới, với mục tiêu tối thượng là cho phép nhân loại có thể định cư tại các hành tinh khác.
Mục tiêu vĩ đại là thế, nhưng theo một cuộc khảo sát mới nhất, SpaceX của Elon Musk là một trong những công ty công nghệ có mức độ stress và áp lực cao nhất (hơn cả Amazon), và điều đáng ngạc nhiên là những thử thách đó sẽ chẳng được đền bù bằng vật chất, vì SpaceX chỉ trả lương cho nhân viên ở mức trung bình tới trung bình thấp so với mặt bằng chung hiện nay.
Quy trình sàng lọc nhân tài
Khi mục tiêu của công ty là thay đổi cả lịch sử nhân loại thì quy trình tuyển chọn nhân viên của SpaceX cũng “trên trời” không kém. Elon đã đích thân nhắn nhủ với mọi nhân viên rằng SpaceX chỉ tuyển những “người giỏi nhất trong những người giỏi nhất”.
Và đây là quy trình để sàng lọc ra những nhân tài đó:
– Phòng nhân sự lọc ra những CV ấn tượng nhất trong một danh sách dài gửi đến công ty hằng ngày.
– Ứng viên sau đó phải vượt qua được 2 đến 4 cuộc phỏng vấn bằng điện thoại.
Bạn muốn đầu quân cho SpaceX? Lương thấp, stress nhiều đổi lại cơ hội thay đổi lịch sử cùng Elon Musk – Ảnh 4.
– Nếu thành công, các ứng viên được mời đến nhà máy SpaceX và dành cả ngày để phỏng vấn với “tất cả nhân viên mà ứng viên sẽ làm việc cùng.”
– Các nhân viên tuyển dụng sau đó sẽ bắt cặp và liên tục “thử thách” ứng viên qua 7-8 cuộc phỏng vấn khác nhau, mỗi lần khoảng 1 giờ.
– Ứng viên sẽ “may mắn” có một buổi nghỉ trưa ngắn để ăn uống và tham quan nhà máy, đây là thời gian thư giãn duy nhất trong ngày.
– Và trong cả ngày dài và cam go đó, nếu chỉ một nhân viên tuyển dụng cảm thấy không hài lòng, ứng viên sẽ ngay lập tức được cho về.
Quy trình khắc nghiệt này không chỉ gây khó với ứng viên mà còn gây “thiệt hại” cho các nhân viên đang làm việc tại SpaceX khi số lượng tuyển dụng thành công cực kỳ thấp và thời gian kiếm được nhân viên mới là rất lâu.
Và bởi vì thiếu nhân lực, nhiều nhân viên SpaceX thường phàn nàn rằng họ phải làm việc tới 12 giờ mỗi ngày, và nhiều đêm phải thức trắng để theo kịp tiến độ.
Môi trường làm việc nhanh như “tên lửa”
Theo một cựu kỹ sư tại SpaceX, tại đây không có khái niệm phòng kín, mỗi người, ngay cả Elon Musk đều có một chiếc “hộp” riêng của mình. Bạn có cơ hội đi tham quan nhà máy, nhất là vào giờ nghỉ trưa để có thể thấy quy trình xây dựng một tên lửa từ đầu đến khi hoàn thiện. Elon Musk còn cho lắp đặt một hệ thống camera xung quanh khu vực chế tạo tên lửa và cho phép mọi nhân viên có thể theo dõi quá trình xây dựng.
Tùy vào mỗi phòng ban mà sẽ có những văn hóa làm việc khác nhau. Phòng ban của tôi cực kỳ thoải mái về chuyện giờ giấc đi làm, miễn sao bạn hoàn tất hết công việc là được. Một số phòng ban khác thì bị theo dõi và “chấm” thời gian đi làm. Việc trao đổi và giao tiếp tại SpaceX cực kỳ thoải mái, nếu có vấn đề liên quan thì bạn hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp với Elon Musk.
Nhưng sự thoải mái đó lại đi kèm với áp lực và stress.
Dù không có ai ép buộc cả, nhưng bạn vẫn làm việc nhiều giờ liên tục để hoàn tất phần việc của mình, và vì mọi người đều “máu lửa” như thế, bạn sẽ rất khó rời khỏi văn phòng đúng giờ. Một câu nói cửa miệng tại SpaceX là, mọi người đều trở thành nô lệ của chính mình. Mọi người tại SpaceX đều ra sức làm việc để cho ra lò những chiếc tên lửa hoàn hảo nhất bất kể ngày đêm.
Nhân tài đổ về để…làm nô lệ của chính mình
Trong một cuộc khảo sát gần đây, 86 phần trăm nhân viên tại SpaceX đánh giá việc làm của họ là “Khá stress” cho đến “Rất stress”. Chỉ số này cao hơn hẳn môi trường được mệnh danh là “địa ngục” stress – Amazon, nơi chỉ có 64% nhân viên nhận định như thế.
Và không chỉ dừng lại ở những nhân viên toàn thời gian, văn hóa áp lực tại SpaceX còn hiện diện tại các vị trí thực tập.
Những thực tập sinh có cơ hội góp một phần trực tiếp vào sứ mạng du hành sao Hỏa và được giao rất nhiều dự án đầy thách thức. Dù thường chỉ tham gia SpaceX trong 12 tuần, các thực tập sinh luôn được trao hoàn toàn trách nhiệm với nhiều dự án khác nhau.
Mỗi thực tập sinh sẽ có một hoặc hai người “thầy” hướng dẫn, nhưng trách nhiệm hoàn toàn nằm trong tay họ. Thậm chí từng có một thực tập sinh chịu trách nhiệm xây dựng công cụ hỗ trợ các tên lửa có thể kết nối với Trạm không gian ISS một cách an toàn, chức năng quan trọng và có thể quyết định thành bại của cả dự án SpaceX.
Và điều đặc biệt là, dù với quy trình phỏng vấn căng thẳng bật nhất quả đất cộng với áp lực nặng nề khi làm việc, các nhân viên tại SpaceX chỉ nhận được một mức lương “trung bình”. Theo một cuộc điều tra gần đây của PayScale, các nhân viên dưới 5 năm kinh nghiệm tại SpaceX chỉ được trả từ 78.000 USD đến 82.000 USD một năm, ở mức gần “đội sổ” so với các công ty công nghệ nổi tiếng khác (mức lương cho nhân viên với kinh nghiệm tương tự tại Facebook là 116.800 USD).
Thậm chí vào giữa năm nay, SpaceX đã thua kiện và buộc phải trả cho hơn 4.100 nhân viên của mình 4 triệu USD tiền “đền bù” cho những khoản thời gian làm việc kéo dài mà không có giờ nghỉ.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là các nhân viên SpaceX vẫn tiếp tục cống hiến dù phải nhận mức lương quá thấp so với áp lực tại đây. Cùng với cuộc khảo sát về độ stress, dù hầu hết nhân viên đều cảm thấy như bị “đè bẹp” với trách nhiệm, có đến 90 phần trăm nhân viên SpaceX nghĩ rằng công việc họ đang làm sẽ viết nên lịch sử và làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Các khảo sát trên đã khẳng định một xu hướng tìm việc mới của thế hệ ngày nay: Nhân viên hiện nay quan tâm nhiều đến ý nghĩa công việc của họ và cảm giác mình sẽ “thay đổi lịch sử thế giới” cùng SpaceX đã thu hút và giữ chân biết bao nhân tài.
Và như thế “Không gian, giới hạn tối thượng của nhân loại” đã khơi dậy một niềm đam mê khám phá và chinh phục của thế hệ trẻ ngày nay, chỉ cần góp một phần nhỏ vào bước tiến của lịch sử loài người thôi cũng là ước mơ của cả triệu người, và đó chính là mấu chốt hình thành văn hóa đặc biệt của SpaceX – Stress nhiều, Lương thấp nhưng không bao giờ thiếu “máu lửa”.